[Multimedia] Câu chuyện khoá luận tốt nghiệp của K19

Xin chào các bạn độc giả, đặc biệt là những bạn đang quan tâm đến ngành Truyền thông đa phương tiện (HANU)

Hôm nay mình tiếp tục chùm series blog về ngành với một chủ đề có lẽ được rất nhiều bạn sinh viên năm 3, hoặc có thể là bất cứ một bạn nào đang tìm hiểu về đồ án, khoá luận của các sinh viên năm cuối quan tâm. Trong bài viết này, mình sẽ kể lại những câu chuyện liên quan đến quá trình hoàn thiện khoá luận của mình tại ngành Truyền thông đa phương tiện, khoa FIT (HANU).

_____________________________

Kể qua một chút thì mình là một SV thuộc khoa K19 của ngành Đa phương tiện, vào kì II của năm cuối 2022-2023 (Spring 2023) vừa rồi tại khoa FIT. Dưới sự hướng dẫn rất nhiệt tình của giảng viên, mình đã hoàn thiện bài luận của bản thân tương đối ổn và đạt được kết quả khá tốt từ các thầy, cô đánh giá. Câu chuyện hôm nay mình muốn chia sẻ sẽ bắt đầu từ giai đoạn các bạn SV đăng ký làm khoá luận, cho đến ngày cuối cùng khi thuyết trình trước các thầy cô và được đánh giá, chấm điểm. Hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm những thông tin tham khảo cho bản thân để đi đến quyết định làm luận hay không ở năm cuối. Rồi bắt đầu thôi, mình sẽ chia những phần đề mục theo những giai đoạn quan trọng trong quá trình làm khoá luận nhé!


MỤC LỤC

1) GIAI ĐOẠN 1: ĐĂNG KÝ

2) GIAI ĐOẠN 2: XÉT DUYỆT

3) GIAI ĐOẠN 3: BẮT ĐẦU VIẾT BÀI 

4) GIAI ĐOẠN 4: HOÀN THIỆN BÀI LUẬN

5) GIAI ĐOẠN 5: NỘP BÀI VÀ THUYẾT TRÌNH 

6) GIAI ĐOẠN 6: NHẬN ĐIỂM VÀ NHẬN TIỀN NHUẬN BÚT 

_____________________________


1) Giai đoạn 1: Đăng ký làm khoá luận tốt nghiệp

Đầu tiên và trên hết, mình phải nhấn mạnh: làm khoá luận là điều KHÔNG BẮT BUỘC với tất cả các sinh viên. Chính xác, thay vào đó, đây là MỘT LỰA CHỌN. Mình xin giải thích thêm, khi đi đến năm cuối, các bạn sẽ có 2 lựa chọn là làm khoá luận hoặc học như bình thường. Cả 2 việc này đều nhằm mục đích tích luỹ đủ 6 tín chỉ trong chương trình học. 


À, một điều nữa mà mình cũng muốn nói đó chính là các bạn có thể lựa chọn vừa làm luận vừa học nhé. Tức là nếu bạn đủ điều kiện, đã đăng ký làm luận mà vẫn muốn học như bình thường vì đam mê, hoặc tăng cường tri thức và cũng không ngần ngại vấn đề tiền nong 😄 thì vẫn có thể nhé! Điều này được cho phép, khoá K19 của mình có 1 bạn đã làm như thế này.


Tiếp theo, một điều quan trọng nữa là không phải cứ muốn làm luận là được, để có thể đủ điều kiện được đăng ký làm luận với khoa. Bạn cần có đủ điều kiện là điểm trung bình (GPA) tất cả các môn tính đến thời điểm đăng ký phải đạt ít nhất 3.0/4.0 (theo hệ 4) hoặc 7.5/10 (theo hệ 10). Danh sách những sinh viên đạt đủ điều kiện này sẽ được khoa đăng lên trước thời điểm đăng ký tín chỉ kì I của năm học đó (kì Fall). Những bạn có tên trong danh sách mình vừa này chính là những người có thể đăng ký, còn nếu không trong danh sách này thì tức bạn chỉ có duy nhất lựa chọn là học như bình thường.  Khi đó thì các bạn sẽ học 2 môn học thay thế cho khoá luận, tính đến hiện tại (2023) là môn Xử lý khủng hoảng truyền thông và Marketing tới khách hàng doanh nghiệp. Các bạn sinh viên không làm luận này thì đến hôm đăng ký tín sẽ tranh tín cho 2 môn này trên hệ thống qldt nhé!

(đây là bài thông báo về đăng ký làm khoá luận cho K20 mình lấy đề minh hoạ, vì bài thông báo của K19 đã trôi từ khá lâu rồi nên mình không tìm lại được)

Giờ là đến giai đoạn quan trọng này: đăng ký. Sau khi có danh sách SV đủ điều kiện làm luận rồi thì khoa cũng sẽ up lên một cái google form để bạn điền thông tin nếu mong muốn làm luận (như trong ảnh trên). Trong này ngoài những dòng để điền thông tin cá nhân như họ tên, mã SV thì sẽ có cả phần điền tên đề tài (nếu có) và cả GV hướng dẫn mong muốn của bạn nữa. Theo kinh nghiệm của bản thân, mình thực sự khuyên các bạn có ý định chốt làm luận là hãy nghĩ đề tài cho mình sớm nhất có thể và cũng sớm chọn cho mình GV mình mong muốn. Tên đề tài mình nghĩ đến có thể chưa hoàn chỉnh, nhưng hãy nên có để điền vào form này. Cũng nên điền cả tên của người mình mong muốn đồng hành cùng trong khoá luận nữa.


Lý do là bởi vì, giảng viên trong khoa cũng chỉ có từng ấy người xoay đi xoay lại hướng dẫn các bạn làm khoá luận. Vì thế, khi bạn sớm có đề tài và chọn được người hướng dẫn thì khả năng như ý của bạn sẽ cao hơn. Thêm nữa, sẽ cũng có nhiều bạn SV khác có thể có đề tài giống giống, hoặc cùng chọn GV giống bạn. Theo quy định, mỗi GV chỉ được hướng dẫn tối đa 2 SV trong cùng 1 đợt. Do đó, việc sớm ghi tên đề tài và tên GV trong form sẽ như 1 cách bạn "đặt gạch", "tranh phần" sớm cho bản thân, tránh việc bị thay đổi đề tài do trùng lặp, hoặc không được hướng dẫn bởi GV như ý của mình do đã có SV khác chọn trước.


Một mẹo nhỏ mà mình muốn gửi đến các bạn để tăng khả năng "chốt đơn" được đề tài và GV hướng dẫn mình muốn đó là CHỦ ĐỘNG LIÊN HỆ TRƯỚC. Ngay từ cuối năm 3, nếu các bạn cảm thấy tự tin với GPA và thứ hạng của mình thì nên suy nghĩ dần đến việc có quyết định làm khoá luận hay không. Khi đã chốt có, các bạn hãy phác ra nháp một vài đề tài mình mong muốn sau đó email cho GV mình muốn hướng dẫn để trao đổi về việc hợp tác làm bài. Khi GV có sự nhất trí với bạn rồi, thì khi điền form, khoa cũng sẽ thuận theo sự đồng tình của GV đó mà xếp cho bạn làm việc với thầy/cô đó. Hãy nhớ nhé, chủ động và nhanh nhẹn luôn là chìa khoá.


(bên trong link form điền đăng ký này)


Sau khi điền form và bấm nút gửi thì giờ nhiệm vụ của các bạn là chờ đợi thôi...


2) Giai đoạn 2: Được duyệt làm khoá luận

Sau khi hết hạn nộp form đăng ký làm luận, khoa sẽ tổng hợp lại, cân nhắc những lựa chọn trùng khớp, sắp xếp các GV hướng dẫn cho phù hợp và công bố vào một danh sách mới. Trong trường hợp có quá nhiều người cùng đăng ký làm một đề tài, hoặc cùng chọn một giáo viên, thì như mình đề cập ở trên, khoa có thể sẽ chốt ưu tiên theo thứ tự thời gian, hoặc theo sự phù hợp của giảng viên với đề tài mà sinh viên đó chọn.


Và các bạn cũng lưu ý một điều rằng, không phải cứ ai đăng ký là cũng được duyệt làm khoá luận. Trong trường hợp có quá nhiều sinh viên cùng đăng ký làm khoá luận, thì theo quy định mình nhớ là chỉ có khoảng 20% số sinh viên trong khoa được làm (xét duyệt từ cao xuống thấp theo GPA cho đến khi đủ số lượng).


Sau khi có danh sách sinh viên được duyệt làm luận, nếu bạn nằm trong đó, thì nhiệm vụ giờ của bạn là tiếp tục giai đoạn tiếp theo. Còn nếu bạn không nằm trong danh sách này, thì hãy chuẩn bị đồ nghề và đăng ký học 2 môn học thay thế khoá luận thôi nào 😄.

(các bạn sinh viên được duyệt làm khoá luận sẽ được tổng hợp trong một bài thông báo như này)


3) Giai đoạn 3: Làm việc với GV hướng dẫn và bắt đầu viết bài

Phần này sẽ tiếp tục với các bạn đã nằm trong danh sách được duyệt làm khoá luận. Trong danh sách được khoa công bố sẽ có tên đề tài của các bạn đã ghi (nếu có), tên GV hướng dẫn các bạn làm luận, thông tin liên hệ của họ.


Điều đầu tiên bạn cần làm sớm nhất có thể sau khi có thông tin này đó chính là liên lạc ngay với giảng viên hướng dẫn của mình và thống nhất đề tài, hướng triển khai với họ. Nếu bạn đã có đề tài, cần phải trình bày rõ hơn ý tưởng của mình với thầy/cô để thầy cô chuốt lại cho mượt rồi mới có thể đưa vào thực hiện. Còn nếu bạn chưa có đề tài, thì cũng nên sớm nhất có thể đưa ra ý tưởng và trao đổi với giảng viên của mình để có thể chốt được hướng đi cuối cùng. Thời gian trôi đi rất là nhanh, phần lên ý tưởng, chốt hướng triển khai sẽ là nền móng cho bạn để có thể đi tiếp các phần sau này. Nếu mất thời gian quá nhiều ở giai đoạn này, timeline làm việc các phần sau này của các bạn sẽ rất chậm chạp và bị delay liên tục. Đây cũng là phần mà mình nghĩ việc trao đổi với GV diễn ra nhiều nhất.


Giai đoạn chọn đề tài và chốt hướng triển khai với GV xong xuôi thì mình nghĩ là phần sau công việc đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Phần còn lại từ đó về sau sẽ là bám vào dàn bài đã lên, tìm tài liệu, nghiên cứu và phân tích trong bài của mình. Từ đây thì tần suất làm việc như nào với GV là do bạn và GV tự thoả thuận. Tuy nhiên thông thường, việc làm việc chủ yếu cũng chỉ diễn ra qua email, rất ít khi diễn ra offline, có thể nói là rất hiếm. Cũng phải nhắn trước là không phải lúc nào các bạn cần giúp đỡ các thầy/cô cũng online ngay đề trả lời các bạn được. Lên đại học, đa phần các GV luôn có tâm lý và suy nghĩ để các bạn tự giải quyết những vấn đề nhỏ, những gì thực sự lớn thì mới đáng để trình bày lên, nên các bạn cũng hãy chủ động lên chút để đỡ làm phiền thầy cô quá nhiều nhé. Lời khuyên của mình là các bạn hãy đặt ra một tần suất cố định để trao đổi với GV (ví dụ: mỗi tuần 1 lần gửi mail báo cáo, hỏi đáp vào tối thứ 5 chẳng hạn). Vậy thì nếu các ngày trong tuần nếu có vấn đề gì phát sinh các bạn cứ tổng hợp lại và gửi đến thầy cô vào lịch hàng tuần như đã đặt ra. Điều này vừa giảm thiểu tình trạng gửi câu hỏi lắt nhắt, vừa giúp thầy cô tiện theo dõi và nhanh gọn hơn trong việc trả lời. 


Sau đó thì các bạn cứ tiếp tục hoàn thiện bài luận của mình và dần dần đi tới giai đoạn tiếp theo.


4) Giai đoạn 4: Hoàn thiện bài báo cáo (bản tóm tắt khoá luận) và bản đầy đủ khoá luận tốt nghiệp

Đến khoảng tầm tháng 5 (theo thời gian của K19) thì các bạn sẽ bắt đầu được giục làm BẢN TÓM TẮT KHOÁ LUẬN. Vì đợt mình làm, mình cũng rất bị bất ngờ về cái bản này nên mình xin giải thích một chút để các bạn hiểu đây là gì, sau này có làm cũng đỡ bị rối và nhầm lẫn.


Thông thường, khoá luận bản full của các bạn sẽ dài ít nhất là 30 trang đổ lên, bản tóm tắt này là bản khoá luận được co ngắn lại, chỉ trình bày những ý chính nhất và giới hạn là 8-10 trang giấy. Mục đích của việc nộp bản tóm tắt này chính là để khoa cho vào cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học của khoa FIT. Các bạn chú ý cái hội thảo này nhé. Mình sẽ tiếp tục nói rõ hơn trong giai đoạn đoạn tiếp theo, giai đoạn số 5. 


Bản tóm tắt hoàn thiện và nộp đi thì các bạn không lâu sau đó cũng sẽ đến hạn nộp bản full khoá luận. Thường thì mình thấy là phải có bản full trước, hoặc bản full phải được ít nhất khoản 90% thì các bạn mới có thể làm tóm tắt. Thế nên, có lẽ đến giai đoạn này thì mình gần như là hoàn thiện 2 bản song song, chỉ là đợi đến ngày bị gọi nộp thì nộp thôi. 


5) Giai đoạn 5: Nộp bản mềm tóm tắt, bản cứng khoá luận full và thuyết trình tại hội thảo khoa học 

Tiếp tục sau giai đoạn 4 là "nước rút", giai đoạn này có thể gọi là giai đoạn "về đích" của chiến dịch khoá luận tốt nghiệp. 


Đầu tiên là bản tóm tắt thường sẽ được yêu cầu nộp bản mềm (online) qua email của trợ lý khoa học, còn bản full sẽ được yêu cầu nộp bản cứng (offline) thông qua hình thức nộp USB và 1 bản đóng quyển. Đúng, các bạn không nghe nhầm đầu, khoa K19 của mình được yêu cầu copy file khoá luận full và các bảng biểu, sơ đồ liên quan vào trong một USB và nộp lên văn phòng khoa. 


Đợt nộp USB này nói thật là mình bị sốc và bất ngờ quá luôn ý. Chiều là hạn nộp mà đến tận sáng hôm ý mới biết phải nộp USB, nên là cuống lên xử lý, đi mua với cop bài trong một ngày để kịp luôn. May là vẫn kịp trước khi văn phòng khoa đóng cửa trong chiều hôm ý, không là toi. Không biết các năm sau có còn duy trì tiếp hình thức nộp USB này không, nhưng nếu không nói gì thì các bạn cũng cứ hãy chuẩn bị cho mình tinh thần để không bị bất ngờ quá như mình nhé. 

(đây là chiều hôm ý lúc mình đi nộp USB này 😄)


Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần nộp lại 1 bản in bìa cứng lại cho khoa nữa, cái bản mà có bìa màu in chữ mạ vàng mà các bạn hay thấy ở trong những thư viện ý. Tiền in ấn cuốn này và cả mua USB nữa đều là tự bạn chi tiền, khoa không hỗ trợ khoản này. Duy chỉ có sau khi xong xuôi thì khoa gửi các nghiên cứu sinh tiền nhuận bút thôi, thì cái này nó có thể phần nào đó bù vào một chút. Phần tiền này mình sẽ nói ở giai đoạn sau bên dưới nhé. 


Sau khi đã nộp tất cả mọi thứ xong xuôi rồi thì cũng sớm thôi là sẽ đến hội thảo nghiên cứu khoa học của khoa. Mình đã đề cập đến buổi hội thảo này ở phần trước, giờ mình sẽ giải thích cụ thể hơn.


Thông thường, mỗi năm khoa sẽ đều có một hội thảo khoa học sinh viên. Mình không biết đây là quy định của trường hay của Bộ mà kiểu khoa nào cũng sẽ tổ chức cái này vào hàng năm ý. Với khoa FIT thì ở hội thảo này, các bạn SV làm khoá luận tốt nghiệp sẽ được coi như là 1 tác giả đóng góp bài nghiên cứu cho hội thảo đó. Nhiệm vụ của các bạn sẽ là trình bày lại kết quả nghiên cứu của mình cho toàn bộ khán giả trong buổi hội thảo. Giờ ta lại quay lại cái bản tóm tắt khoá luận mình nói ở phần 4. Bản tóm tắt các bạn nộp sau này sẽ được đưa vào kỷ yếu hội thảo này đấy.

(đây là recap buổi hội thảo nghiên cứu khoa học khoa FIT hôm 20/5/2023 của K19 chúng mình nè 📸) 


Giờ mình đến một phần vô cùng quan trọng nè, đó là thuyết trình khoá luận. Ở một số trường khác, thì phần này sẽ được gọi là bảo vệ khoá luận. Tuy nhiên thì ở đây mình sẽ chỉ gọi phần trình bày cá nhân tại buổi hội thảo khoa đó là thuyết trình. Thứ nhất, đó là bởi vì khoa FIT mình KHÔNG TỔ CHỨC BẢO VỆ KHOÁ LUẬN. Chúng ta hiểu theo đúng định nghĩa, thì "bảo vệ" tức là phải có phần trình bày của học viên và phần phản biện, đặt câu hỏi từ hội đồng giám khảo. Sau đó, phần điểm tổng sẽ là cộng trừ giữa phần làm bài và phần trả lời phản biện. Tuy nhiên thì khoá luận của chúng ta chỉ được chấm theo kết quả bài làm trên giấy dựa vào 3 đầu điểm từ 3 giáo viên khác nhau, không tính phần trả lời câu hỏi nên dùng từ "bảo vệ" thì nghe có phần hơi nghiêm trọng so với bài nghiên cứu này 😅.


Oke, quay về với việc thuyết trình, thì theo mình thấy các bạn cứ thoải mái thôi, mình làm gì thì trình bày cái nấy, không có gì phải run cả. Chủ yếu là thường thì hội thảo có khá nhiều bài nghiên cứu nên có thể các thầy cô sẽ cho mỗi bài present tối đa bao nhiêu phút đó. Nên nếu có giới hạn thời gian thì các bạn chú ý để không bị lố giờ nhé! Năm K19 của chúng mình là mỗi người chỉ có 10-15 phút thôi.


Sau khi buổi hội thảo kết thúc thì cũng là lúc "chiến dịch" khoá luận tốt nghiệp kết thúc. Nhiệm vụ duy nhất còn lại giờ đây của bạn là nghỉ ngơi thư giãn và chờ đến ngày điểm được công bố thôi.


6) Giai đoạn 6: Nhận điểm và tiền nhuận bút cho nghiên cứu của mình 💵

Sau khi có điểm cho khoá luận, dù có như mong đợi hay không như mong đợi, thì các bạn cũng hãy nhớ chúc mừng bản thân vì đã cố gắng hết sức nhé. Điều quan trọng nhất vẫn là bản thân bạn đã nỗ lực không ngừng cho đến ngày khoá luận được trình làng. Theo như mình quan sát thì điểm khoá luận ít khi thấp đến mức bị trượt (<5.0) lắm. Thường khi đã được GV chốt bản cuối cùng, đồng ý cho bạn mang đi nộp thì khi chấm với các GV khác tệ lắm kiểu gì cũng trên 5.0 và qua môn thôi. Chủ yếu hãy nhớ kĩ rằng, bạn phải có ý thức làm bài và hợp tác hài hoà với GV hướng dẫn của mình, đừng bỏ dở giữa chừng hay gây drama với các thầy cô hoặc SV khác trong quá trình mấy tháng làm luận thì mình nghĩ mọi thứ sẽ đều ổn cả.


Lại quay sang nói về vấn đề nhuận bút. Thì sau khi hội thảo khoa học diễn ra xong khoảng tầm nhanh thì vài tuần, chậm thì vài tháng các bạn sẽ được nhận tiền nhuận bút nghiên cứu nha. Khoá của mình K19 là mỗi bài khoá luận tốt nghiệp sẽ nhận được 600k VND đó. Không biết là các khoá sau có tăng hay giảm gì không. Thường cũng phải khá lâu sau khoa mới đăng form hoặc sheet lên để cho các bạn ghi thông tin số tài khoản để chuyển khoản, nên các bạn sau khi xong hội thảo đừng quên chú ý thông tin trong group khoa nhé. Khéo cẩn thận vui quá, ăn mừng lâu quá quên luôn cả tiền của mình đấy. May mình chưa quên 😅

(bài đăng thông báo trả nhuận bút cho các nghiên cứu sinh được đăng lên sau khi buổi hội thảo đã kết thúc được gần 3 tháng 🤣)


Hề hề, vậy là mình đã tóm lại toàn bộ quá trình thực hiện khoá luận tốt nghiệp từ giai đoạn đăng ký cho đến giai đoạn nhận điểm và nhuận bút rồi. Hi vọng qua bài viết này các bạn khoá sau sẽ tham khảo thêm được điều gì đó có ích cho bản thân. Nếu các bạn có còn thắc mắc gì muốn hiểu rõ hơn về khoá luận, hoặc có thêm những câu hỏi về ngành Multimedia tại HANU thì có thể liên lạc với mình thông qua các kênh bên dưới. Cảm ơn các bạn đã đón đọc nha!

________________________________________________________________________________

❤️ ĐỪNG QUÊN KẾT NỐI VỚI MÌNH NHÉ:

________________________________________________________________________________

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Multimedia] So Sánh Ngành "Truyền Thông Đa Phương Tiện" (Multimedia) của 5 Trường Đào Tạo Ở Hà Nội

[HANU] Giới thiệu ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện (Multimedia)