[HANU] Giới thiệu ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện (Multimedia)

 Xin chào các bạn độc giả!


Hôm nay là ngày một ngày đầu năm Tân Sửu, nhân dịp rảnh rỗi đầu xuân năm mới, tạm gác lại những buổi học online sang một bên, mình viết blog này với hi vọng sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của những bạn học sinh, thí sinh THPT Quốc gia đang có ý định đăng kí hoặc cân nhắc vào ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện (Multimedia) của trường Đại Học Hà Nội (HANU). 


Trước tiên, mình xin tự giới thiệu bản thân. Mình là sinh viên K19 và cũng là 1 trong hơn 50 sinh viên đầu tiên ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện được dẫn dắt bởi trường Đại Học Hà Nội. Hiện tại mình vẫn đang theo học tại trường với cương vị là một sinh viên năm 2 (đầu năm 2021). 

Sau đây mình xin được chia bố cục của bài blog theo những câu hỏi mình thường gặp về ngành học của bản thân tại trường.


MỤC LỤC

1) ĐỊNH NGHĨA "TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN"

2) NGÀNH NÀY SẼ HỌC GÌ?

3) HỌC PHÍ ĐỂ ĐƯỢC CẦM BẰNG 

4) TÍNH CÁCH CỦA MỘT NGƯỜI HỢP VỚI NGÀNH

5) MUA LAPTOP NÀO ĐỂ PHÙ HỢP VỚI NGÀNH?

6) LƯU Ý KHI CHỌN HỌC CHUYÊN NGÀNH Ở HANU

7) GIỚI THIỆU NĂM NHẤT CHUYÊN NGÀNH Ở HANU

8) KÉM TIẾNG ANH CÓ THEO ĐƯỢC CHUYÊN NGÀNH Ở HANU?

9) HỌC MULTIMEDIA CÓ PHẢI HỌC TOÁN KHÔNG? 🤣🤣

10) HỌC MULTIMEDIA CÓ CẦN PHẢI VẼ ĐẸP KHÔNG?

..................


1) "TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN" LÀ GÌ Ở HANU?

Vào mùa xuân năm 2019, ở trường Đại học Hà Nội đã xảy ra một sự kiện kinh thiên động địa thu hút sự chú ý của bao con dân từ khắp mọi miền. Cụ thể, sau gần 10 năm không mở thêm ngành mới, trường H quyết định mở thêm 2 ngành đạo tạo mới, bao gồm chương trình cử nhân Marketing và Truyền Thông Đa Phương Tiện. Trong đó, ngành Marketing trực thuộc khoa Quản trị kinh doanh và du lịch còn ngành Truyền thông đa phương tiện trực thuộc khoa Công nghệ thông tin (FIT). Mình xin phép nhấn mạnh lại một lần nữa, truyền thông đa phương tiện THUỘC KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (FIT). Từ đó đến nay, ngành vui mừng được chào đón 2 khoá học đầu tiên: K19 và K20 "mở bát" cho ngành.


2) TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN HỌC GÌ?

Theo như trang web hanu.vn chính thức của trường, "Truyền thông đa phương tiện là ngành học ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong việc sáng tạo, thiết kế và phát triển những sản phẩm, dịch vụ đa phương tiện và tương tác cho các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình …), kinh doanh (marketing, thương mại điện tử …), giáo dục (đào tọa trực tuyến, thực tại ảo …), giải trí (trò chơi điện tử, phim, âm nhạc …). Ngành Truyền thông đa phương tiện có sự giao thoa kiến thức của nhiều lĩnh vực như Công nghệ thông tin, Mỹ thuật, Truyền thông, Marketing … nhưng yêu cầu quan trọng nhất đối với người học ngành này là cần có sự đam mê và liên tục sáng tạo. Nếu bạn thuộc tuýp người đam mê thử thách và không thích rập khuôn nhàm chán, ngành học truyền thông đa phương tiện sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc".

Đó là cách trường định nghĩa, còn với mình, mình xin định nghĩa gọn gàng lại bằng một công thức sau:

Truyền thông đa phương tiện = Công nghệ thông tin + Truyền thông Marketing + Thiết kế đồ hoạ

Về cơ cấu của chương trình học, mình sẽ để link ở dưới cuối bài để các bạn đọc tham khảo thay cho việc diễn đạt dài dòng.

Nguồn tham khảo: (1)


3) HỌC PHÍ CỦA NGÀNH Ở TRƯỜNG MÌNH LÀ BAO NHIÊU?

Với hình thức đào tạo tín chỉ, học phí của sinh viên sẽ được tính theo số tín chỉ nhân với tiền học phí mỗi tín chỉ. 

Với giá cả hiện tại là: 

480.000đ / tín chỉ môn chung

650.000đ / tín chỉ môn chuyên ngành

Trường H sẽ trói em bằng tiền bạc


Tổng cộng với 151 tín chỉ tích luỹ để ra trường, ước tính mỗi sinh viên từ lúc nhập trường cho đến khi tốt nghiệp phải đóng khoảng 85.400.000đ với điều kiện không trượt môn hoặc học lại. Con số này sẽ tăng lên khi các bạn học lại, trượt môn và cũng sẽ tăng theo lộ trình tăng học phí của nhà trường. Mình sẽ dẫn chứng số liệu ở phần cuối bài.

Nguồn tham khảo: (2) 


4) NGƯỜI CÓ PHẨM CHẤT / TÍNH CÁCH NHƯ NÀO THÌ HỢP VỚI NGÀNH NÀY?

Mình sẽ dùng từ "đa dạng" và "linh hoạt" ("flexible" and "versatile") để mô tả về người đó. Theo những gì mình cảm nhận, đây là một ngành được tạo ra từ tổ hợp của rất nhiều những tiểu ngành trong nó, vì vậy, người theo ngành này nên là một người có khả năng thích ứng, cập nhật bản thân và không ngừng đổi mới tư duy, suy nghĩ của bản thân. Nếu bạn là một người thích cái đẹp và tạo ra cái đẹp thì quả thực bạn rất hợp với ngành này.

Lý thuyết thì là như vậy, nhưng nói như vậy không có nghĩa là nếu bạn không có những đặc điểm trên thì không thể theo ngành. Đối với mình, bạn chỉ cần là một người có suy nghĩ tích cực, thích thú về ngành và chịu khó học hỏi, tìm tòi thì không kể bạn là ai, bạn như thế nào bạn vẫn có thể đăng ký theo học và thành công trong tương lai. Bản thân mình là một người cũng không hoàn toàn có những đặc điểm kể trên, mình là một chàng trai bình thường, không nổi bật và cũng không quảng giao cho lắm. Nhưng chả hiểu thế nào đấy, mình đã quyết định đăng ký vào ngành này của trường vì đơn giản là, mình thích, chỉ thế thôi. Giờ thì mình vẫn sống tốt mà không sứt mẻ miếng nào! 😁😁


5) HỌC NGÀNH NÀY CÓ CẦN MUA LAPTOP XỊN KHÔNG? NẾU MUA, NÊN MUA THẾ NÀO CHO HỢP LÝ?

Theo kinh nghiệm và những gì đã quan sát được, mình nhận thấy ngành này vừa dễ mà cũng vừa khó trong việc chọn laptop. Truyền thông đa phương tiện không phải là 1 ngành thuần IT (Công nghệ thông tin) hay thuần Design (Đồ hoạ) mà nó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các mảng ngành. Do vậy, với mình các học viên theo ngành nên chọn một chiếc lap có công năng đủ để thực hiện đa dạng các tác vụ và bền bỉ theo thời gian. Cụ thể, các bạn nên cân nhắc giữa thương hiệu, khả năng tương thích, giá thành và các thông số cấu hình liên quan để chọn ra một em lap hợp nhất với mình. Mình không phải dân sành công nghệ nên không dám mạn phép bàn kĩ về cấu hình máy. Cơ bản thì mình thấy nên chọn loại máy nào mà có cấu hình trên mức cơ bản, trung bình một tí. Một vài cấu hình cơ bản mình có thể gợi ý đó là từ ít nhất core i5 trở lên, dùng ổ SSD với dung lượng tầm 512gb trở lên, RAM thì càng nhiều càng tốt, ít nhất là nên 8GB RAM. Còn lại về thiết kế của máy, mỏng hay dày, nặng hay nhẹ, màu gì thì các bạn tự lựa chọn theo sở thích của mình.


6) HỌC CHUYÊN NGÀNH Ở ĐẠI HỌC HÀ NỘI CẦN LƯU Ý ĐIỀU GÌ?

Đây là một câu hỏi cũng cần lưu ý và xem xét kĩ càng.

Điểm nổi bật của HANU đó là đào tạo chuyên ngành hoàn toàn bằng ngoại ngữ. Đại học Hà Nội (HANU) có tiền thân là trường Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội thành lập năm 1959 và được đổi tên vào năm 2006 để có được tên gọi như hiện tại. Điều này khẳng định rằng, HANU là một trường chuyên ngữ và có truyền thống lâu đời đạo tạo các ngôn ngữ nước ngoài. Về mảng chuyên ngành, các chuyên ngành đầu tiên được trường đưa vào giảng dạy là vào năm 2002, đến nay có truyền thống 19 năm. Để có thể tạo ra được lợi thế cạnh tranh sau khi ra trường cũng như là tích hợp với thế mạnh vốn có của trường, Đại học Hà Nội quyết định đào tạo tất cả các ngành học phi ngôn ngữ bằng ngoại ngữ; phần lớn các chuyên ngành được đào tạo bằng tiếng Anh, ngoại lệ có ngành Truyền Thông Doanh Nghiệp được đào tạo bằng tiếng Pháp.

Do chương trình được đào tạo hoàn toàn bằng ngoại ngữ, cho nên trường có một điểm khác biệt so với các trường khác đó là sẽ dành riêng một năm nhất đầu tiên để đào tạo chuyên về ngoại ngữ; trước khi chính thức đào tạo chuyên ngành vào những năm 2, 3, 4. 

Một lưu ý nho nhỏ dành cho các bạn đã có các chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận quốc tế từ 6.0 IELTS trở lên hoặc tương đương, các bạn có thể có lựa chọn skip, nhảy cóc qua năm nhất để lên học thẳng năm 2, 3, 4 để rút ngắn thời gian học tập. Đó là quyền của các bạn, còn nếu trong trường hợp các bạn đã có chứng chỉ nhưng vẫn muốn trải nghiệm năm nhất thì hoàn toàn oke, không ai đuổi các bạn lên năm 2 cả. 😉😉😉 Năm nhất là thiên đường các em nhé 🤩🤩


7) NĂM NHẤT CHUYÊN NGÀNH SẼ ĐƯỢC HỌC TẬP NHƯ THẾ NÀO?

Đoạn này sẽ dành cho những bạn đang thắc mắc là năm nhất chuyên ngành chúng mình sẽ được học gì.

Như mình có đề cập ở trên, năm nhất chuyên ngành được sinh ra là để học tiếng. Không nằm ngoài thông lệ, các sinh viên Đa phương tiện sẽ được học tiếng Anh từ thứ 2 đến thứ 6, từ kì I, kì II, rồi đến kì III. Lịch học trong tuần sẽ được chia ra cho các kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết và được học theo chương trình mô phỏng kì thi IELTS. 

Những "người lái đò" của ESPD

Năm nhất, tất cả các sinh viên chuyên ngành sẽ đều học theo chương trình của khoa Tiếng Anh Chuyên Ngành (ESPD). Với giáo trình của khoa, mỗi kĩ năng sẽ lại được chia nhỏ ra nhằm phục vụ cho việc áp dụng ngôn ngữ được hiệu quả hơn. Phụ thuộc mỗi kì mà mỗi tiểu kĩ năng sẽ có các tên gọi khác nhau. Ví dụ, ở kì I, môn Nói, được chia làm 2 môn nhỏ, là môn Nói Thuyết Trình (Speaking Presentation) và Nói Phát Âm (Speaking Pronunciation) ; hay môn Nghe sẽ chia làm Nghe Chính Tả (Listening Dictation) và Nghe Hội thoại (Listening Conversation).

Các em nhớ nhé, năm nhất, ở bên ESPD là chân ái nhé. Lên năm 2, 3, 4 rồi, buông lơi chân ái, đừng để nước mắt rơi nhé 😉😉. Học ESPD như học cấp 3 ý mà


8) EM YẾU TIẾNG ANH, VẬY CÓ THEO ĐƯỢC CHƯƠNG TRÌNH HANU KHÔNG?

Hoàn toàn có thể em nhé. Như anh nói ở trên, yếu thì cải thiện mà không biết thì mới cần phải học. Tuy nhiên cũng lưu ý là em cũng cần cố gắng chứ không phải ngồi không mà cái tốt nó bay vào đầu. Chính vì em nên trường mới mở ra khoa ESPD cho các sinh viên năm nhất chuyên ngành nhằm giúp các em tự tin hơn khi lên học chuyên ngành đó.

Nhưng mà các em cũng cần lưu ý là vào đây, các thầy cô sẽ không dạy cho em lại từ bảng chữ cái ABC, cho đến one two three đâu 🤣🤣🤣. Việc học tiếng năm nhất ở đây, cốt là học việc đưa những kiến thức lý thuyết sách vở, ngữ pháp mà các em đã nghe mòn tai gần 12 năm trước vào mục đích giao tiếp. Vì vậy, đừng bị động trong việc học tập, mà hãy cố gắng vận dụng hết những kiến thức mình đã học để thi Đại học vào 4 kĩ năng kể trên. Đó là cách tốt nhất để các em có thể xử ngon đống bài vở năm nhất.

Vì thế, đừng vội thi xong Đại học mà quên bằng sạch kiến thức Tiếng Anh nhé. Chúc các em may mắn 😉😉😉


9) HỌC MULTIMEDIA CÓ PHẢI HỌC TOÁN KHÔNG?


Có nhé em, đừng ngây thơ tin vào câu: "Học Hanu không cần học toán đâu". Hì hì, câu. này chỉ đúng với khoa tiếng thôi, còn khoa chuyên ngành thì vẫn cứ giã toán ra nước đều đều mà học nhá em. 

Thêm 1 chút thông tin đến em, thì ngành Multimedia của mình có 3 môn toán nhá em, nhấn mạnh là 3 môn, bao gồm: Toán cao cấp, Toán rời rạc và Xác suất thống kê nhé. Nên là bên cạnh lời khuyên đừng quên Tiếng Anh ở trên, thì anh cũng khuyên luôn em là đừng quên Toán, đặc biệt là nguyên hàm, đạo hàm, tích phân, xác suất, biến cố nhé. Nhớ được rồi thì tốt, còn học hiểu hay không thì nó lại là 1 câu chuyện khác. Chúc em may mắn.

Nguồn tham khảo: (1)

Còn em hỏi, học Đa phương tiện tại sao phải học Toán nhiều thế ý hở, em liên hệ thêm thầy trưởng khoa FIT để biết tại sao nhé 🧐🧐🧐


10) HỌC MULTIMEDIA CÓ CẦN PHẢI VẼ ĐẸP KHÔNG?

Câu trả lời là tuỳ thuộc vào em, nếu em sau này không định theo mảng thiết kế, design trong Đa phương tiện thì không cần phải vẽ đẹp cũng chả sao, vì cũng chả dùng đến.

Còn nếu em là người có định hướng sau này đi làm designer, thì câu trả lời vẫn là tuỳ thuộc vào em. Thực tế, nếu có khả năng vẽ tốt tức là em đã có khả năng thể hiện ý tưởng tốt. Tuy nhiên, nếu không có khả năng này thì cũng không có gì phải hoảng loạn cả. Thứ nhất, hầu hết ngày nay các designer không phải ai cũng đi theo hướng cần phải vẽ nhiều, hầu hết họ đều thể hiện ý tưởng của mình trên các thiết bị, phần mềm hỗ trợ điện tử, vì vậy mảng vẽ tay cũng được lược bớt phần nào. Thứ hai, làm designer không phải chỉ có vẽ vẽ và vẽ, mà cái cần hơn vẽ đẹp đó là TƯ DUY THẨM MĨ VÀ BỐ CỤC tốt. Có được tư duy này thì chưa chắc em đã cần phải vẽ quá giỏi để có thể hành nghề. 

Anh đã quen rất nhiều anh chị, hiện đang học cùng mình hoặc có quen biết với mình đang là các designer nghiệp dư. Quả thực, họ không vẽ quá giỏi, nhưng họ biết cách để làm ra một tác phẩm đẹp, đó chính là nhờ cái tư duy anh có nói ở trên. Để hiểu tư duy này như thế nào, cách tốt nhất là cứ làm nhiều, thực hành nhiều, rồi mọi thứ các em sẽ tự vỡ ra. 

Cuối cùng, trong trường hợp các em muốn làm hoạ sĩ vẽ truyện tranh hoặc sáng tạo các nhân vật game, cái này thì chắc các em phải làm nhiều về vẽ vời rồi. Trong trường hợp này, nếu các em chưa có khả năng vẽ tốt, thì lời khuyên của anh là các em có thể đi học thêm các lớp về Digital Painting (Vẽ Điện Tử) nhé. Cái gì không biết thì mới cần học mà. Tự tin lên các em!!

Nếu còn câu hỏi gì hoặc có điều cần thắc mắc, thì hãy liên hệ với mình qua các nền tảng ở dưới, hoặc bình luận ở dưới blog này nhé!!

________________________________________________________________________________

❤️ ĐỪNG QUÊN KẾT NỐI VỚI MÌNH NHÉ:


________________________________________________________________________________

NGUỒN THAM KHẢO: 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Multimedia] So Sánh Ngành "Truyền Thông Đa Phương Tiện" (Multimedia) của 5 Trường Đào Tạo Ở Hà Nội

[Multimedia] Câu chuyện khoá luận tốt nghiệp của K19